MINIMALISM - CUỘC SỐNG TỐI GIẢN

- Bài viết được chuyển thể văn bản từ Podcast Minimalism - Cuộc sống tối giản của anh Hieu.tv -

 Anh Hiếu sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc. Hiện tại anh là cố vấn cho chính phủ Úc về Digital Strategy. Hơn 20 năm làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, anh tích lũy được một số bài học và câu chuyện thú vị. Kênh HIEU.TV là nơi anh lưu giữ và chia sẻ lại những câu chuyện đó.

BỐI CẢNH...

Thật ra mà nói thì tôi tìm thấy phương pháp sống tối giản này trước cả khi mà tôi tìm thấy hành trình tự do tài chính.

Khác với đại đa số mọi người, thường thì mọi người tìm đến hành trình tự do tài chính trước rồi sau đó thì vì nhu cầu cắt giảm chi phí mà mọi người bắt đầu tìm hiểu thêm và từ từ nó dẫn họ đến cái phương pháp sống tối giản này.

Trong trường hợp của tôi thì nó hơi ngược lại 1 chút, tôi tìm thấy phương pháp tối giản này trước rồi từ từ thì nó mới dẫn tôi đến cái hành trình tự do tài chính. Cũng tương tự như với hành trình tự do tài chính thì việc phát hiện ra phương pháp sống tối giản này nó mang lại rất là nhiều những giá trị tích cực trong cuộc sống của tôi và trong tập ngày hôm này tôi sẽ chia sẽ cho anh chị và các bạn đôi chút về những điều tích cực mà cái cuộc sống tối giản đã đem lại cho tôi.

Bây giờ thì khi nhìn lại cuộc sống của mình trong những giai đoạn trước đây, thời gian đó tôi làm được cũng kha khá nhiều tiền nhưng mà song song đó bởi vì không biết cách để quản lý chi tiêu nên tôi cũng mua sắm một cách rất là tùy tiện, thậm chí tôi còn có 1 hoạt động mà bây giờ nhìn lại tôi còn rất là sợ đó là cái hoạt động sưu tầm. Và điển hình cho cái hoạt động sưu tầm của tôi khi đó là sưu tầm nước hoa mà cái di chứng của nó vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ ở trên cái tủ trong nhà tôi.

Từ nhỏ tôi đã rất thích mùi hương rồi, nên khi lớn lên đi làm thì mỗi khi có tiền là tôi lại xách đi mua nước hoa. Lúc đó tôi mua 1 cách vô tội vạ, thậm chí là có rất nhiều lần tôi mua chỉ là bởi vì tôi thích mua thôi, nếu mua xong rồi thì về cuối cùng cũng không có xài và hậu quả là cho tới tận ngày hôm nay sau bao nhiêu năm tôi tặng cho không biết bao nhiêu là người rồi mà số lượng nước hoa của tôi cho tới bây giờ vẫn còn trên 3 chục chai.

Và đó cũng chỉ là 1 ví dụ thôi... những món đồ khác ở trong nhà tôi cũng chung cái tình trạng như vậy, phần lớn số đó tôi mua về xong xài vài 3 lần rồi cũng để nó vô 1 cái góc nào đó, và cứ như vậy số lượng đồ đạc ngày càng nhiều. Đa số là nó nằm 1 chỗ, chiếm không gian trong nhà, năm thì mười họa tôi mới đem ra dùng 1 lần.

Và tình trạng như vậy nó cứ kéo dài hoài...

Cho tới một lần...

BƯỚC NGOẶT

 Vô tình tôi được nghe chia sẽ từ một người bạn, thật ra người bạn này không nói về chủ đề sống tối giản nhưng thông qua những chia sẽ của bạn tôi tìm thấy 1 keyword là Minimalism, từ đó tôi bắt đầu đầu tư tìm hiểu và càng tìm hiểu thì tôi lại càng bị thu hút vô chủ đề này vì nó quá là đúng với tình trạng và cảm giác của tôi.

Và cũng từ đó tôi bắt đầu phát hiện ra rằng mình không phải trường hợp ngoại lệ, trên thế giới cũng có rất nhiều người khác cũng có tình trạng như tôi và họ cũng đang cố gắng tìm cách thoát khỏi cái tình trạng này thông qua một cái phương châm sống nó gọi là - Minimalism. Tiếng Việt mình dịch ra là phương châm sống tối giản.

Và ngay hôm nay sau rất nhiều năm thực hiện phương châm sống này, tôi có thể nói một cách rất tự tin đó là phương châm sống này sẽ tạo ra rất nhiều giá trị cho mọi người, đặc biệt là cho các bạn trẻ.

Chủ đề này để nói cho hết ý thì nó rất là dài, có khi là tôi phải làm thành 1 loạt bài như chủ đề tự do tài chính nhưng lần này tôi sẽ cố gắng gói gọn nó trong 1 tập thôi. Tôi sẽ chỉ giữ nó ở góc độ chia sẽ những điều tích cực mà nó đã mang lại cho cuộc sống của tôi, rằng nó đã làm cho cuộc sống của tôi chất lượng hơn như thế nào.

CHỦ NGHĨA TIÊU DÙNG - MẶT TRÁI ĐẰNG SAU TẤM THẺ TÍN DỤNG

Trước khi bắt đầu vô những điều tích cực mà phương châm sống này mang lại cho tôi thì tôi muốn chia sẽ với các anh chị một khái niệm mà nó nghịch đảo với minimalism , đó gọi là Consumerism, dịch ra tiếng Việt mình là chủ nghĩa tiêu dùng.

"MẬT NGỌT CHẾT RUỒI"

Hiểu 1 cách cơ bản đó là nếu Minimalism cổ vũ cho lối sống dựa trên những gì chúng ta cần thì Consumerism sẽ cổ vũ cho lối sống dựa trên những gì chúng ta muốn, và ở khía cạnh kinh tế thì Consumerism không hẳn là xấu, bởi vì nó cổ vũ cho hoạt động mua sắm do đó nên nó sẽ đẩy sức mua lên cao và càng có nhiều hoạt động mua sắm thì các chính phủ sẽ thu được càng nhiều thuế hơn và song song đó thì các công ty cũng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, và từ đó đổ ngược tiền vào các hoạt động R&D (Research & Development) để mà từ đó tìm ra các phát minh mới và những phát minh đó lại tiếp tục được dùng để thu hút người dùng mua sắm trở lại.

Và caí vòng lòng lặp cứ như vậy nó tiếp diễn...

Thông qua đó xã hội sẽ dần dần sẽ đi lên. Đó là lý do vì sau hầu hết các nền kinh tế thế giới họ đều cỗ vũ cho cái lối sống Consumerism.

Nếu mà các anh chị để ý đó, thì trong mỗi lần mà khủng hoảng kinh tế thì một trong những động thái đầu tiên mà các chính phủ họ làm sẽ làm đó là: họ sẽ in thêm tiền và họ sẽ hạ lãi suất. Các hoạt động này về cơ bản là để kích cầu nền kinh tế và nói dân dã hơn đó là họ kích thích cho hoạt động mua sắm cho dân chúng để mà từ đó giúp cho guồng máy kinh tế nó vận hành trở lại.

Vậy thì nãy giờ nghe tôi nói đến đây hẳn các anh chị cũng sẽ thắc mắc là nếu mà nó tạo ra nhiều giá trị như vậy thì Consumerism cũng đâu có gì là xấu?

"CÁI BẪY ĐẰNG SAU MẬT NGỌT"

Thực sự mà nói, nếu nhìn khía cạnh tổng quan như vậy thì cũng không hẳn là nó có gì xấu. Nhưng nếu chúng ta zoom in vào từng cá nhân, từng gia đình thì bức tranh nó sẽ hơi khác đi một chút, thậm chí là theo quan sát của cá nhân tôi trong rất là nhiều trường hợp thì nó sẽ không tốt.

Như chúng ta đã biết quảng cáo là một trong những ngành mang lại lợi nhuận rất là cao ở trên thế giới, những công ty như Facebook hay Google là những công ty thuộc hàng lớn nhất trên thế giới thì họ đều hoạt động dựa trên nguồn thu chính đó là hoạt động quảng cáo và thông qua các hoạt động quảng cáo này thì các công ty trên thế giới ngày qua ngày họ bơm vào cái tiềm thức chúng ta những nhu cầu mà không hẳn là chúng ta cần.

Và mọi việc cho đến đây thì cũng chưa hẳn là có gì nghiêm trọng nếu mà mọi người vẫn tiêu xài ở trong khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, mọi thứ nó không dừng lại ở đó.

Một trong những phát minh mà vĩ đại nhất của chủ nghĩa tiêu dùng, ở đây có thể dùng từ vĩ đại hoặc là từ kinh khủng đó chính là thẻ tín dụng. Từ khi phát minh ra thẻ tín dụng thì người tiêu dùng họ có thể mua sắm nhiều hơn cái khả năng tài chính của họ. Từ bây giờ các anh chị có thể lấy cái món đồ mình muốn về nhà và ghi nợ lại để rồi cuối tháng các anh chị có thể trả lại sau.

Nếu mà cuối tháng các anh chị không có đủ tiền trả thì các anh chị có thể khất cái khoản nợ đó sang những tháng sau đó và hiển nhiên là các anh chị phải trả lãi cho cái khoản nợ này, và cái tiền lãi này là 1 trong các nguồn thu chính của các ngân hàng.

Và tôi có đọc được 1 thống kê cách đây cũng 1-2 năm rồi, đó là:

"Trung bình mỗi người dân ở Mỹ đang mắc nợ thẻ tín dụng trung bình khoảng hơn 6000 đô la/1 người. Mà đó mới chỉ là nợ thẻ tín dụng thôi, tôi chưa nói đến những khoản nợ khác".

"VÒNG LẶP"

Và cứ như vậy, mọi người vẫn cứ vô tư mua sắm và vô tư mắc nợ. Rồi bởi vì mắc nợ nên họ phải cố gắng làm việc để trả nợ. Mà nếu trường hợp họ đang làm cái công việc mình thích thì không nói, nhưng mà rất nhiều trường hợp là họ phải làm những công việc mình không thích chỉ bởi vì họ phải làm để có tiền trả nợ.

Và vì làm những công việc như vậy nên sau những giờ làm việc căng thẳng đó, đến cuối tháng lãnh lương thì các anh chị có biết họ sẽ làm gì để tự thưởng cho mình không?

Họ lại đi mua sắm để thưởng cho mình những món đồ, những vật dụng tiện nghi nào đó. Và càng mua sắm thì họ lại càng mắc nợ nhiều hơn. Và cứ như vậy cái vòng lặp nó cứ chạy đi chạy lại hoài, và trong cái vòng lặp đó các công ty sẽ ngày càng bán được thêm nhiều hàng, các chính phủ nhờ vậy mà thu được thêm nhiều thuế. Chỉ có đối tượng duy nhất mà bị suffer (chịu đựng), đó chính là Consumer - những người tiêu dùng.

Và tin buồn là các công ty và chính phủ họ cũng không hề có nhu cầu giúp chúng ta thoát khỏi vòng lặp này đâu bởi vì về cơ bản là họ cần có một nền kinh tế vận hành như vậy. Ở góc nhìn của 2 nhóm này thì hệ thống như vậy vận hành sẽ tốt hơn cho họ và tốt hơn cho bức tranh chung.

Nhưng nếu chúng ta chuyển sang góc nhìn của người tiêu dùng thì cái bức tranh đó không sáng sủa cho lắm, đặc biệt là với những người không biết cách quản lý tài chính cho mình.

Có một bộ phim rất là nổi tiếng đó là: Ma Trận, thì phim đó kể về một thế giới giả tưởng ở đó thì tất cả mọi người đều đang ngủ và những gì họ đang cảm nhận hàng ngày nó đều thông qua sự kiểm soát của 1 cái máy chủ. Và toàn bộ loài người lúc đó đều nằm trong cái hệ thống đó, chỉ có vài người thức dậy được và thoát khỏi ra được đó. Tôi sẽ không nói quá chi tiết để phòng khi có anh chị nào chưa xem bộ phim này.

Khi mà tôi tìm hiểu về Consumerism thì tôi có cảm giác nó cũng không khác mấy với cái bộ phim Ma Trận này. Đa số mọi người sinh ra, lớn lên và bị cuốn vào trong dòng chảy mua sắm, tiền bạc và nợ nần này mà các công ty và các chính phủ họ đã set up.

"Theo thống kê thì có tới 70% số người đi làm họ không thích cái việc mà mình đang làm, thậm chí là có một số thống kê thì con số này lên tới 85%".

 

...đối với những người này, mỗi ngày họ thức dậy đi làm là 1 cái ngày dài đối với họ. Họ chỉ mong chờ tới giờ tan sở và song song đó thì mọi lúc mọi nơi những hoạt động quảng cáo nó liên tục rót vào tai họ những thông điệp đại loại như là các bạn đã quá mệt mỏi với công việc thì hãy tự thưởng cho mình sản phẩm này rồi sản phẩm kia.

Rồi cứ vậy mọi người cứ nghe riết nghe hoài đến mức nó thành ra trong vô thức chúng ta cũng đồng ý là những sản phẩm đó sẽ gỡ gạc được chất lượng cuộc sống của chúng ta lên phần nào. Nhưng thật ra nó lại đang cuốn chúng ta đi sâu hơn vào vòng xoáy tiêu dùng đó, và từ đó nó làm cho cuộc sống của chúng ta giảm chất lượng nhiều hơn nữa.

"THOÁT KHỎI CÁI BẪY"

Vậy thì làm thế nào chúng ta thoát khỏi cái vòng lặp vô tận này?

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì nó sẽ thông qua 2 công cụ:

  • Thứ nhất là tự do tài chính
  • Thứ hai là phương châm sống tối giản

Vậy tại sao mà tôi nói phương pháp sống tối giản sẽ giúp ta thoát khỏi cái vòng lặp kia?

Trước tiên để bắt đầu thì các anh chị thử làm một cái hoạt động nhỏ này, các anh chị mở tủ quần áo của mình ra rồi nhìn xem ở trong đó có bao nhiều cái bộ đồ mà mình mua mà không mấy khi mình mặc. Và thực sự là có một cái thống kê cho cái việc này, đó là:

"Trung bình một người bình thường họ chỉ mặc có 20% trong số các bộ đồ mà họ đang sở hữu. Nghĩa là trung bình có tới 80% số đồ đạc mà mọi người sỡ hữu nó chỉ nằm yên ở trong 1 góc năm này qua tháng nọ".

Tuy như vậy nhưng chúng ta vẫn tiếp tục shopping mua thêm đồ về.

Tương tự như vậy, với những ai mà đã ra ở riêng rồi thì anh chị thử nhìn xung quanh nhà của mình xem hiện tại mình đang sở hữu bao nhiêu món đồ và ở trong đó có bao nhiêu món đồ thực sự các anh chị sử dụng thường xuyên, còn bao nhiêu món đồ mà nó chỉ nằm ở một góc và phủ bụi.

"TIỀN BẠC VÀ CHẤT LƯỢNG SỐNG"

Tôi nghĩ là với đại đa số trường hợp thì con số này cũng không ít. Cái tình trạng này sẽ tạo ra cho chúng ta 2 vấn đề:

  • Đầu tiên là sự lãng phí về tiền bạc. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề thứ 2
  • Sỡ hữu quá nhiều đồ đạc sẽ làm cho chất lượng cuộc sống của chúng ta đi xuống rất là nhiều.

Điểm đầu tiên dễ thấy nhất là nó làm cho nhà cửa chúng ta chật chội hơn, bề bộn hơn. Và riêng việc này thôi thì theo nghiên cứu khoa học nó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và sức khỏe của chúng ta rồi.

Có một nghiên cứu khá là thú vị, đó là:

"Một trong những lý do mà người ta thích đi nghĩ dưỡng ở các resort là bởi vì ngoài chuyện ở những chỗ đó có cảnh đẹp thì ngoài ra ở những nơi đó mọi thứ nó ngăn nắp và tiện nghi hơn là những căn nhà bề bộn của họ. Trong khi lẽ ra thì mọi thứ nó phải nên là ngược lại, ngôi nhà phải là nơi ấm áp và tiện nghi nhất cho chúng ta".

Điểm thứ 3 trừu tượng hơn 1 chút đó là việc sỡ hữu quá nhiều của cải vật chất như vậy vô hình chung nó sẽ làm thành 1 gánh nặng trên vai làm cho chúng ta không có nhuc nhích cục cựa đi đâu được.

Bây giờ các anh chị thử tưởng tượng, nếu có một công ty nào đó ở một thành phố khác hoặc thậm chí ở một nước khác offer (đề nghị) cho anh chị một công việc nào đó mà anh chị thích nhưng bây giờ nhìn lại tổng số lượng đồ đạc và tài sản mà mình đang có nhiều như vậy thì ít nhiêù nó cũng làm cho các anh chị phải suy nghĩ đắn đo và vô hình chung như vậy thì chúng ta đang tự giới hạn không gian sống của mình, chỉ còn lại trong phạm vi một cái thành phố hoặc là một nước.

Còn như trường hợp của tôi, nếu mà ngay ngày mai có công ty nào đó ở London hay New York offer tôi một công việc nào đó mà tôi thích thì trong vòng 1 tuần thì tôi có thể pass hết đồ đạc của mình và lên đường ngay mà không cần phải lo lắng gì hết. Đó chính là sự tự do mà cuộc sống tối giản mang lại cho tôi.

Và theo tôi thì đó chính là cái giá trị lớn nhất mà Minimalism mang lại cho chúng ta. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn vô số những lợi ích khác mà trong khuôn khổ vài chục phút của podcast này tôi chỉ chia sẽ một vài lợi ích tiêu biểu mà nó đã mang lại cho cuộc sống của tôi.

LỢI ÍCH TỪ MINIMALISM

1. Lợi ích đầu tiên đó là Minimalism giúp tăng chất lượng cuộc sống của tôi hơn.

 

 

Tôi sẽ nói ý này thông qua 1 ví dụ: trung bình 1 bộ Suite (ở VN mình thì người ta hay gọi là vest) chất lượng sẽ có giá tầm khoảng 2000-5000 đô và tương tự như vậy 1 bộ suite bình thường thì nó sẽ có giá từ 500-700 đô và ngày xưa thì tôi sẽ có xu hướng là mua những bộ đồ bình thường. Tuy nhiên bây giờ khi đã chuyển sang sống tối giản rồi thì tôi chỉ có 1 hay 2 bộ trong cái tủ quần áo của mình thôi nhưng là một hai bộ chất lượng.

Bởi vì 1 bộ Suite chất lượng thường được may với chất lượng tỉ mỉ bằng những chất liệu vải rất là đắt tiền nên hiển nhiên là tuổi thọ của nó cũng bền hơn rất là nhiều so với các bộ suite bình thường. Nếu là với các bộ Suite bình thường thì khoảng 1-2 năm tôi phải thay 1 lần, còn với những bộ mà tôi đang sở hữu, có những bộ tôi đã mặt tới năm thứ 5 rồi mà chất lượng nó vẫn còn gần như là hoàn hảo. Cùng khoảng thời gian 5 năm này, nếu là trước đây thì tôi phải mua những bộ Suite bình thường tới mấy lần thì nó mới tương đương với khoảng thời gian 5 năm này. Đó là chưa kể tôi mặc các bộ Suite này lên người thì nó vừa khít với cơ thể của tôi và làm tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin mỗi khi mặc.

    Một đằng là mua nhiều bộ nhưng số lượng mặc lại không được mấy lần. Cuối cùng lại phải bỏ đi để đi mua bộ mới.

    Một đằng là sử dụng được trọn vẹn sản phẩm mà mình đã bỏ tiền ra mua và mỗi lần sử dụng nó đều mang lại sự thoải mái và tự tin cho tôi.

    Rõ ràng qua ví dụ trên:

    "Việc sở hữu ít đi giúp tôi tập trung vào chất lượng hơn và cũng từ đó nó nâng chất lượng cuộc sống của tôi đi lên".

    Và điều này không chỉ đúng với ví dụ bên trên mà nó đúng với tất cả mọi đồ vật mà chúng ta đang sở hữu. Từ quần áo, giày dép tới xe cộ và các vật dụng ở trong nhà.

    Đó là lý do tại sao mà bây giờ mỗi khi cần mua một món đồ nào đó thì tôi thường có xu hướng chọn các món đồ tốt nhất có thể, có thể là chi phí ban đầu bỏ ra nó sẽ cao hơn so với các món đồ linh tinh. Nhưng mà xét tổng quan lại toàn bộ vòng đời của món đồ đó, thì tôi lại đang tiết kiệm được nhiều hơn.

    2. Lợi ích thứ 2 đó là sống tối giản giúp tôi tiết kiệm được thời gian nhiều hơn.

     Cũng là ví dụ về quần áo. Hồi xưa mỗi lần đi mua sắm thì tôi phải dành ra 1 khoảng thời gian nhất định để đi vòng vòng tìm mẫu nào hợp với mình rồi sau đó phải thử tới thử lui xem bộ nào vừa với size của mình. Tại vì tuy là tôi biết size của mình, nhưng mà không phải hãng nào cũng sẽ sản xuất đúng theo cái size tiêu chuẩn, do đó nên tôi mất rất nhiều thời gian và công sức.

    Còn bây giờ sau khi đã áp dụng Minimalism được nhiều năm, bây giờ tôi đã optimize việc ăn mặc của mình ở một mức rất là tối ưu. Qua quá trình sàn lọc nhiều năm thì tôi đã chọn được thương hiệu đồ phù hợp với tôi nhất ứng với từng loại đồ mà tôi cần mua.

      "Sự Rõ Ràng Trong Tâm Trí"

      Ví dụ đồ mặc Casual hằng ngày thì nó là thương hiệu nào? rồi đồ đi hiking, camping, outdoor thì tôi sẽ chọn mặc của hãng nào? Rồi đồ mặc formal thì tôi sẽ chọn hãng nào. Thậm chí là tôi còn biết luôn cái mẫu nào của hãng đó sẽ phù hợp với tôi thì nó sẽ tiết kiệm cho tôi rất nhiều thời gian. Và tôi cũng không còn khái niệm đi lang thang chọn đồ shopping nữa.

      Tôi có những cái khung thời gian nhất định sau một cái khoảng thời gian thì tôi sẽ đi mua một loạt đồ mới và mỗi lần như vậy bởi vì tôi biết rõ mình đã cần mua ở thương hiệu nào và cái store đó nó nằm ở đâu, thậm chí món đồ mà tôi cần mua nó nằm ở kệ nào. Và khi đến nơi thì tôi cũng biết là với thương hiệu đó thì cái size nào là size vừa với cơ thể tôi nhất. Thậm chí là trong đa số trường hợp tôi còn không cần phải mặc thử nữa.

      Vậy nên tổng thời gian bây giờ tôi dành cho việc mua sắm đồ đạc của tôi được rút ngắn hơn rất là nhiều. Và quan trọng nhất: tất cả món đồ mà tôi mua là những món đồ chất lượng nhất, đúng với phong cách mà tôi muốn nhất. Do đó nên:

      "Tất cả những gì tôi mua về đều là những gì tôi sẽ sử dụng 100%".

      Nó không còn tình trạng là mua về xong bỏ xó như trước nữa.

      3. Lợi ích thứ 3 đó là sống tối giản giúp tôi tiết kiệm được nhiều hơn

       

       

      Ở bên trên tôi đã nói lướt qua về vấn đề này thông qua việc mua những món đồ chất lượng khi xét về tổng vòng đời món hàng thì nó sẽ giúp tôi tiết kiệm được nhiều hơn so với việc mua những món đồ không chất lượng.

      Nhưng mà tôi còn tối ưu việc này thêm mức nữa, đó là vì tôi đã biết rõ các món đồ mà mình cần mua đó là những thương hiệu nào do đó tôi lập sẵn danh sách những món mà tôi cần mua cộng thêm một số động tác set up đơn giản thì từ nay tôi có được 1 hệ thống thông báo từ những thương hiệu mà mình thích để mỗi khi họ có chương trình giảm giá nào đó mà có những món hàng mà nó khớp với những món đồ đang nằm trong danh sách của tôi thì tôi sẽ được nhận thông báo. Và cứ vậy nếu cần thì tôi sẽ đặt hàng.

      Và nhờ đó thì trong khá nhiều trường hợp tôi sẽ không cần trả giá full price mà vẫn có thể có được món hàng mà mình cần mua.

      4. Lợi ích thứ 4 đó là Minimalism nó giúp cho tôi cân nhắc nhiều hơn mỗi khi mua một món đồ nào đó.

       

       

      Tôi làm ở trong lĩnh vực trải nghiệm khách hàng do đó nên tôi biết khá là rõ các thủ thuật kích thích hành vi mua sắm của người dùng, và bởi vì nó cũng là chuyên môn của tôi nên tôi cũng xây dựng cho mình một vài cái thủ thuật để chống lại việc này.

      Ví dụ khi tôi cần mua 1 món gì đó, thay vì tôi lượn lờ trên website sau khi đã tìm hiểu đủ thông tin thì tôi sẽ để món đồ đó vào trong một cái danh sách mà tôi đặt tên cho cái danh sách đó là những món mà tôi dự định mua và sau đó tôi tạm quên nó. Nếu mà sau một thời gian trong cuộc sống hằng ngày của tôi mà có những việc vẫn khiến tôi cần dùng cái món đồ đó thì tôi sẽ đánh dấu cho món đồ đó thêm một ngôi sao  , khi nào nó có đủ số lượng sao nhất định thì tôi sẽ mua món đồ đó.

      Ngược lại sau một thời gian tôi review lại mà k thấy có ngôi sao nào, thì tôi sẽ xóa món đồ đó ra khỏi danh sách.

      Sở dĩ mà tôi khó khăn như vậy mỗi khi mua 1 món đồ nào đó là bởi vì đối với tôi bây giờ mỗi khi mua thêm một món đồ nào đó thì tôi xem nó như là tôi đang thêm một cái gánh nặng nữa ở trên vai.

      "Nếu mà giá trị nó mang lại cho cuộc sống của tôi không đủ để cân bằng với gánh nặng nó thêm vô thì tôi sẽ không mua nó".

      Tôi thà là chấp nhận mình sẽ mất đôi chút tiện nghi nhưng mà đổi lại tôi có cuộc sống nó nhẹ nhàng hơn.

        "BUÔNG BỎ LÀ ĐẮC ĐƯỢC"

        Và tôi cũng tập được thói quen buông bỏ cho mình, nghe từ Buông bỏ thì nó hơi nặng nề nhưng mà buông bỏ ở đây tôi đang nói là về ý nghĩa về đồ đạc. Hồi xưa thì có rất là nhiều món mà tôi cứ giữ miết tại vì nó gắn với một số cái kỷ niệm nào đó. Bỏ đi thì tiếc nhưng giữ lại thì nó cứ nằm đó rồi đi đâu cũng phải khệ nệ tha nó theo.

        Bây giờ thì sau nhiều năm sống tối giản, tôi đã tập được cho mình thói quen đó là tôi chỉ lưu giữ những cái kỷ niệm ở trong đầu thôi hoặc cùng lắm tôi sẽ scan hoặc chụp hình nó lại rồi lưu nó lại trong máy tính. Sau đó thì tôi có thể bỏ món đồ đó hoặc cho những người khác mà họ cần món đồ đó hơn tôi.

        "GỌN GÀNG"

        Một lợi ích nữa của minimalism đó là nhà cửa của tôi lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp, tại vì thật ra tôi cũng đâu có bao nhiêu đồ để mà nó bừa bộn. Do đó mỗi ngày thức dậy tôi được ăn sáng ở trong một không gian thoáng đãng sạch sẽ rồi sau đó tôi được ngồi vô một cái bàn làm việc gọn gàng ngăn nắp.

        Và dĩ nhiên với môi trường sống như vậy nó tạo ra cho tôi rất nhiều năng lượng tích cực mà song song đó tôi không cần phải dọn dẹp gì mấy tại vì như tôi nói khi nãy tôi cũng đâu có bao nhiêu đồ đâu mà bừa bộn.

        Thật ra tôi muốn bừa bộn đôi khi nó còn khó hơn là gọn nữa.

        "SỰ TỰ DO"

        Và cuối cùng cũng là cái điều lúc nãy tôi đã nói rồi nhưng mà bởi vì nó là điều quan trọng nhất nên tôi lặp lại, đó là cuộc sống tối giản nó giúp trả lại cho tôi sự tự do mà đối với tôi tự do là cái điều giá trị nhất.

        Bây giờ thì tôi có thể tự do đến sống vào bất kể chỗ nào mình muốn, hành trang tôi mang theo nó rất gọn nhẹ, và mỗi khi tôi đi khỏi một nơi nào đó thì tôi cũng chỉ mang theo những trải nghiệm chứ không có tha theo bất cứ một món đồ nào đó về cuộc sống của mình.

        Trong cái khuôn khổ vài chục phút của podcast ngày hôm nay tôi chỉ nói được những điều tích cực mà lối sống tối giản mang đến ở khía cạnh vật chất thôi. Nhưng mà Minimalism nó còn giúp cho tôi ở rất nhiều các khía cạnh khác nữa.

        Minimalism còn là tối giản ở trong tài chính, tối giản trong phương châm sống. Thậm chí là tối giản cả trong cách suy nghĩ nữa.

        Trong từng khía cạnh như vậy, Minimalism đều tạo ra rất nhiều giá tích cực cho cái cuộc sống của tôi.

        Nếu như hành trình tự do tài chính giúp cho tôi không còn phụ thuộc vào tiền bạc nữa thì Cuộc Sống Tối Giản giúp cho tôi không còn phụ thuộc vào vật chất nữa.

        Đối với tôi 2 công cụ này nó rất là giá trị!

        Thông qua vài chia sẽ trong tập này của tôi, hi vọng rằng nó đã cho các anh chị thấy được giá trị mà Minimalism đã mang tới cho cuộc sống của tôi mà qua đó mong rằng nó cũng đã truyền cho anh chị đôi chút cảm hứng về phương pháp sống này.

        Trước đó
        Tiếp theo

        Empty content. Please select category to preview

        TOBI BLOG

        TOBI x SINGLE STITCH: Sự kiện triển lãm thời trang Vintage lớn nhất năm 2024

        Single Stitch là sự kiện triển lãm thời trang Vintage đầu tiên với quy mô lớn mạnh qua các năm. Với sự tham gia của hơn 500 khách và 16 gian hàng/ shop vào 2022, Single Stitch đã bùng nổ mạnh mẽ kh...

        Việt Souvenirs - "Người Việt - Câu Chuyện Việt" Cùng Khát Vọng Made By Việt - "Thương Hiệu Bởi Người Việt"

        Từ những tiếng ru khi lọt lòng, những bài hát hay những câu ca dao, tục ngữ; lòng tự hào dân tộc đã được nuôi dưỡng và vun đắp suốt 4,000 năm qua. Tự hào vì đất nước nhỏ bé nhưng có bề dày lịch s...

        Những Tri Kỉ Cùng Đồng Hành Trong Chuyến Hành Trình Lưu Giữ Kỉ Niệm Việt

        𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐒𝐨𝐮𝐯𝐞𝐧𝐢𝐫𝐬 - “𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 - 𝐂𝐚̂𝐮 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭” Sinh ra cùng dòng máu đỏ da vàng.  Lớn lên với từng tiếng ru của mẹ.  Trưởng thành qua từng gian khó của 4000 năm lịch sử.  Mang tron...

        Được làm ra bởi tinh thần người trẻ
        “Việt Nam”

        Collections
        Thời trang bền vững

        Trường tồn với thời gian

        Tập trung cải tiến chất liệu với độ bền cao cùng thiết kế tối giản, tinh tế để bảo đảm sản phẩm trường tồn với thời gian.

        Collections
        God is in the details

        Chất lượng hơn Số lượng

        Chúng tôi sẽ không ra mắt bất cứ sản phẩm nào nếu không tự hào về sản phẩm” - đó là phương châm của chúng tôi với vai trò tạo ra sản phẩm